Tìm kiếm bài viết

Chứng chỉ rừng Việt Nam VFCS lần đầu tiên được trao cho 3 công ty thuộc tập đoàn Cao su.

Sáng 17-5, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tổ chức Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp giữa hai đơn vị. Tại hội nghị, Tổng cục Lâm nghiệp trao Chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam đầu tiên cho hơn 11,4 nghìn ha rừng cao su tại ba công ty thuộc Tập đoàn VRG gồm Công ty Cao su Bình Long, Công ty Cao-su Phú Riềng và Công ty Cao su Dầu Tiếng.

Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai đơn vị

Thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai bên, trong năm qua, Tổng cục Lâm nghiệp, Văn phòng chứng chỉ rừng đã hỗ trợ, hướng dẫn Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thực hiện đúng trình tự, thủ tục xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; hỗ trợ các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Đồng thời, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng hỗ trợ Văn phòng Chứng chỉ rừng về vận hành hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia.

Thực hiện Đề án quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng tại Quyết định số 1228/QĐ- TTg ngày 01/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ và thúc đẩy việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững tại Việt Nam, Tổng cục Lâm nghiệp, Văn phòng chứng chỉ rừng đã xây dựng và vận hành Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia. Sau hơn một năm thành lập, Văn phòng Chứng chỉ rừng trở thành thành viên hợp tác thứ 50 với Chương trình Chứng nhận Chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC).

Văn phòng Chứng chỉ rừng Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Lâm nghiệp đã phối hợp với Văn phòng công nhận chất lượng, tổ chức GFA (CHLB Đức) tiến hành đánh giá việc thực hiện quản lý rừng bền vững tại 03 Công ty Cao su trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Tổng diện tích cao su được xây dựng phương án quản lý rừng bền vững là 59.528 ha,  cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam là 11.432ha (Công ty Cao Su Dầu Tiếng: 4000 ha, Công ty Cao su Bình Long: 3.943 ha và Công ty Cao Su Phú Riềng: 3.479 ha); chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm (VFCS/CoC) cho 6 nhà máy chế biến mủ cao su. Đây chính là kết quả nổi bật nhất trong chương trình phối hợp giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng trong năm 2019.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam rất có ý nghĩa trong việc thúc đẩy cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và phát triển thị trường nguyên liệu gỗ hợp pháp, nguyên liệu “sạch” cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam. Đây cũng là sự khẳng định tính chủ động trong việc thực thi quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, đặc biệt khi hệ thống chứng chỉ rừng của Việt Nam đã được công nhận trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam cũng giúp tăng thêm sự lựa chọn cho các chủ rừng, doanh nghiệp trong việc thực hiện chứng chỉ rừng bền vững.

Chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam được trao lần đầu tiên cho 03 công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

Năm 2020, Tổng cục Lâm nghiệp và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp, duy trì thực hiện quản lý rừng bền vững tại 3 công ty đối với diện tích 11.423ha đã được cấp chứng chỉ. Đồng thời, sẽ đăng ký cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho tối thiểu 50.000 ha cao su. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức ít nhất 15 lớp đào tạo, tập huấn chuyên đề về quản lý rừng bền vững và quản lý chuỗi hành trình sản phẩm để nâng cao năng lực, nhận thức cho các công ty thuộc Tập đoàn. Tổ chức triển khai xây dựng phương án quản lý rừng bền vững cho 10 công ty cao su thuộc tập đoàn. Thực hiện và đăng ký cấp chứng chỉ quản lý chuỗi hành trình sản phẩm cho 15 doanh nghiệp chế biến gỗ thuộc Tập đoàn./.

Văn phòng Tổng cục

Đọc tiếp...

Buổi trao đổi thông tin cùng các Tổ chức chứng nhận (CBs) ở Việt Nam

Quản lý rừng bền vững (QLRBV) là chương trình của cộng đồng quốc tế do những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chế biến, tiêu thụ gỗ cam kết chỉ sử dụng và lưu thông trên mọi thị trường thế giới những sản phẩm gỗ nào được khai thác hợp pháp từ các khu rừng đã được quản lý bền vững. Muốn vậy, chứng chỉ rừng và chứng chỉ gỗ được áp dụng như là một công cụ hữu hiệu để buộc mọi chủ rừng/đơn vị quản lý rừng đảm bảo quản lý rừng bền vững về cả 3 phạm trù: kinh tế, môi trường và xã hội.

Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng (PEFC) là một tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận quốc tế nhằm thúc đẩy quản lý rừng bền vững thông qua chứng nhận của bên thứ ba. Đây là hệ thống về lâm nghiệp trên toàn cầu mà các tiêu chí của nó được nhiều chính phủ trên thế giới chấp nhận.

Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS) là thành viên thứ 50 của PEFC, hiện nay VFCS đã hoàn thành các tài liệu hướng dẫn vận hành hệ thống, để đầy mạnh việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FM và chứng chỉ quản lý chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) thì Văn phòng chứng chỉ rừng cần có sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của các Tổ chức chứng nhận (CB) nhằm thực hiện việc cấp chứng chỉ này. Vì vậy VFCO tổ chức Buổi trao đổi thông tin cùng các Tổ chức chứng nhận (CBs) ở Việt Nam

Mục tiêu chung:

Tăng số lượng các CBs sẵn sàng cung cấp dịch vụ đánh giá cho VFCS SFM và PEFC CoC với chi phí phù hợp.

Mục tiêu cụ thể:

  • Giải thích rõ các quy định của VFCS cho quá trình chỉ định các CBs & giải đáp các câu hỏi của CBs;
  • Giải thích rõ các quy định về quy trình công nhận của BoA và giải đáp các câu hỏi của CBs;
  • Trao đổi về các qui định đánh giá theo tiêu chuẩn mới PEFC CoC 2020 của PEFC quốc tế về Chuỗi hành trình sản phẩm và các qui định cho các CBs;
  • Cung cấp thông tin về thị trường và nhu cầu thực hiện chứng chỉ VFCS FM và PEFC CoC của các chủ rừng và doanh nghiệp;
  • Thảo luận các hoạt động phối hợp tiềm năng giữa VFCO, PEFC và CBs.

Lịch trình dự kiến

Thời gian dự kiến: (14:00-16:30), 14 tháng 5 năm 2020

Thời gian

Hoạt động

Đại biểu trình bày

Ghi chú

14:00

  • Chào mừng & giới thiệu

Dr. Nghĩa & Richard Laity

Tất cả các CBs giới thiệu ngắn gọn

14:10-14:30

  • VFCS cập nhật (Những thành tựu chính, quá trình công nhận của PEFC, dự án thí điểm, các hợp tác thúc đẩy thị trường cho VFCS SFM và PEFC CoC.

Dr. Bình (VFCO)

 

14:30-15:00

  • Quá trình công nhận

Đại diện văn phòng công nhận chất lượng (BoA) 

 

15:00-15:30

  • Cập nhật về tiêu chuẩn 2020 của PEFC
  • Kênh trao đổi & cập nhật thông tin giữa VFCO, PEFC & CBs (Podio)

Richard Laity

 

15:30-16:30

  • Hỏi & giải đáp (Q&A) 
  • Yêu cầu của VFCS và thị trường
  • Các yêu cầu BOA
  • Chứng chỉ kép
  • CBs cần những sự giúp đỡ nào từ VFCO & PEFC
  • Các cơ hội hợp tác trong tương lai

Dr. Bình, Đại diện BoA,

Richard Laity và tất cả các CBs

 

Trân trọng.

Để biết thêm thông tin và đăng ký tham gia vui lòng liên hệ Ông Võ Trung Kiên số điện thoại: 0975579359

Email: vanphongvfco@gmail.com

Trân trọng.

Đọc tiếp...

GFA GmbH tổ chức chứng nhận đầu tiên được công nhận đánh giá cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững theo hệ thống VFCS

Vào ngày 17 tháng 1 năm 2020, GmbH (GFA) đã trở thành Tổ chức chứng nhận đầu tiên được công nhận đánh giá cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững theo hệ thống VFCS đáp ứng yêu cầu quy định trong VFCS/PEFC ST 1006:2019 (VFCS).

Quy trình công nhận bao gồm việc đánh giá về văn bản, các thủ tục liên quan, đánh giá văn phòng để đánh giá việc thực hiện hệ thống quản lý chất lượng cần thiết và đánh giá chứng kiến của khách hàng thí điểm đầu tiên tại Việt Nam cụ thể là tại công ty Cao su Dầu Tiếng, có sự hợp tác của nhân viên văn phòng Chứng chỉ rừng Việt Nam tham gia chứng kiến. Tổ chức GFA GmbH đã tuân thủ tất cả các yêu cầu công nhận và được phép cung cấp dịch vụ chứng nhận cho VFCS theo mã chứng nhận VICAS 069-VFCS từ Văn phòng công nhận chất lượng (BoA) là một thành viên của Diễn đàn công nhận thê giới (IAF)

VFCS hiện đang tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để đạt được công nhận từ PEFC International để có thể sử dụng Logo của PEFC cho diện tích rừng đã có chứng chỉ VFCS đồng thời giúp VFCS tham gia chuỗi cung ứng nguyên liệu gỗ bền vững toàn cầu.

https://www.gfa-cert.com/en/gfa-certification-gmbh-first-cb-accredited-for-vietnamese-forest-certification-scheme/

Văn phòng VFCO               

Đọc tiếp...

Hệ thống chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS) chính thức vận hành theo tiêu chuẩn Quốc tế.

Ngày 17/01/2020 Văn phòng Công nhận chất lượng (BoA) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ  đã có quyết định cấp Chứng chỉ công nhận cho Tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ rừng GFA đủ điều kiện hoạt động trong Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS). Theo quyết định này, tổ chức GFA được công nhận có đủ năng lực tiến hành đánh giá và cấp chứng chỉ rừng cho các chủ rừng theo yêu cầu của Hệ thống VFCS . Phạm vi được công nhận bao gồm Chứng nhận hệ thống quản lý rừng bền vững theo Bộ tiêu chuẩn VFCS/PEFC 1003:2019 do Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững ban hành.

Sau khi tổ chức GFA được công nhận bởi Văn phòng BoA, Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCO) sẽ vận hành Hệ thống VFCS  để các tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ rừng cho các chủ rừng theo tiêu chuẩn  của Việt Nam. Bên cạnh đó, từ ngày 13-16/01/2020 theo hợp đồng với Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng (PEFC), tổ chức ITS global đã  đánh giá Hệ thống VFCS tại Việt Nam, theo kế hoạch Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam sẽ được chứng nhận bởi PEFC vào Quý 2, năm 2020. Ngay sau khi Hệ thống VFCS được tổ chức PEFC công nhận, các diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ bởi Hệ thống VFCS sẽ được công nhận đạt chứng chỉ rừng quốc tế bởi PEFC. Kết quả này sẽ góp phần nâng cao thương hiệu quốc gia của Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam và cũng như chứng minh được Hệ thống đạt tiêu chuẩn theo các yêu cầu quốc tế của PEFC.

Theo báo cáo của tổ chức GFA,  tháng 1 năm 2020, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng và Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng thuộc tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã được Tổ chức chứng nhận GFA đánh giá và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo Hệ thống VFCS với tổng diện tích được cấp chứng chỉ là 11.423 ha.

Việc hoàn thiện và vận hành Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam trong thời gian vừa qua có ý nghĩa lớn trong việc hiện thực hóa Quyết định số 1288/QĐ-TTg của Chính phủ về việc Phê duyệt đề án quản lý rừng bền vững. Các chứng nhận của VFCS/PEFC  sẽ tạo điều kiện cho các chủ rừng, doanh nghiệp chế biến và thương mại gỗ và lâm sản có thêm một sự lựa chọn để khai báo bán hàng cho việc xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa của mình trên thị trường quốc tế.

Văn phòng Chứng Chỉ Rừng

Đọc tiếp...

Việt Nam chào mừng sinh nhật 20 của tổ chức PEFC tại Tuần lễ PEFC quốc tế 2019!

Tuần lễ PEFC là sự kiện hàng năm của tổ chức PEFC, Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng. Đặc biệt, năm 2019 đánh dấu hành trình 20 năm thành lập và nỗ lực của PEFC đối với sứ mệnh quản lý rừng bền vững toàn cầu. Sự kiện được tổ chức tại thành phố Würzburg, CH Liên Bang Đức, nơi PEFC được thành lập vào năm 1999, từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 11 năm 2019.

Đại diện Văn phòng chứng chỉ rừng quốc gia (VFCO), ông Bùi Chính Nghĩa đã tham dự sự kiện này. Việt Nam trở thành thành viên chính thức của PEFC từ tháng 6 năm 2019, và là một trong tổng số 53 quốc gia thành viên của tổ chức PEFC quốc tế.

Tại hội nghị, ông Bùi Chính Nghĩa, đại diện cho Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS) nhận Chứng nhận thành viên, được trao bởi ông Peter Lathan, Chủ tịch Hội đồng PEFC, và ông Ben Gunneberg, Tổng thư kí và CEO của PEFC.

Đặc biệt, ông Bùi Chính Nghĩa đã có bài phát biểu trước Đại Hội Đồng PEFC, với hơn 120 đại biểu, đại diện cho tất cả các quốc gia thành viên, và các tổ chức quốc tế về tầm quan trọng của ngành Lâm nghiệp Việt Nam; cũng như nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc quản lý bảo vệ rừng bền vững và đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế về nguồn gỗ có chứng chỉ, bền vững và hợp pháp. Ông Nghĩa nhấn mạnh, “Việt Nam đánh giá cao cách tiếp cận sáng tạo của PEFC trong việc hỗ trợ các thành viên xây dựng hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia, nhằm hài hoà các điều kiện đặc thù về kinh tế, xã hội và ngành Lâm Nghiệp của từng nước với các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững. PEFC không chỉ là một hệ thống chứng chỉ rừng đơn thuần, mà còn là một sáng kiến nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống quản trị lâm nghiệp ở các quốc gia thành viên trên toàn thế giới.”

Ông Bùi Chính Nghĩa cũng cảm ơn sự hỗ trợ hiệu quả của PEFC đối với quá trình xây dựng và vận hành Hệ thống Chứng Chỉ Rừng Việt Nam. Hiện nay, Văn phòng Chứng chỉ Rừng Quốc gia (VFCO)  đang tích cực hoàn thiện hệ thống, chuẩn bị sẵn sàng cho việc đánh giá công nhận của bên thứ 3 theo tiêu chuẩn của PEFC. VFCO hi vọng rằng Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam sẽ được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế PEFC vào Quý 2, năm 2020. Kết quả này sẽ có một vai trò rất quan trọng nhằm chứng minh rằng Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam là một thương hiệu quốc gia và đạt tiêu chuẩn thế giới.

Ghi chú: PEFC Quốc tế là hệ thống chứng chỉ rừng lớn nhất hiện nay trên thế giới với 62% tổng diện tích rừng có chứng chỉ (hơn 325 triệu ha). PEFC Quốc tế cũng là hệ thống chứng chỉ rừng duy nhất công nhận hệ thống chứng chỉ rừng của các quốc gia thành viên và theo tiêu chuẩn của ISO. Hiện nay, PEFC Quốc tế có 53 thành viên.  

VFCS là Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam, được thành lập theo đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng vào tháng 10, 2018. VFCS trở thành thành viên chính thức thứ 50 của PEFC Quốc Tế vào tháng 6 năm 2019. Hiện tại, VFCS đang hoàn thiện các tiêu chuẩn, làm việc với các cơ quan đánh giá cấp chứng chỉ để đưa hệ thống vào hoạt động. Đồng thời chuẩn bị các tài liệu cho quá đình thẩm định công nhận của PEFC Quốc tế dự kiến vào đầu năm 2020. Sau khi VFCS được PEFC Quốc tế công nhận, các diện tích rừng được cấp chứng chỉ bởi VFCS sẽ được công nhận đạt chứng chỉ rừng quốc tế PEFC.

                                                                                                                                  Văn phòng CCR

 

Đọc tiếp...

Hội thảo “Chứng nhận PEFC/VFCS: Nhu cầu, nguồn cung và lợi ích” tại Triển lãm nội thất quốc tế Việt Nam – VIFF 2019


Thư mời và Chương trình_Hội thảo PEFC VFCS_SECC_28.11_13h30 (1).pdf

Sự tăng trưởng nhanh chóng và bền vững của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt nam có liên quan mật thiết tới khả năng của Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, tính hợp pháp, các yếu tố môi trường và xã hội của các nước phát triển- là thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm đồ gỗ Việt Nam. Đặc biệt là hơn 80% nguyên liệu sản xuất đồ gỗ có chứng chỉ của Việt Nam vẫn là nhập khẩu. Điều này đặt ra câu hỏi cấp thiết về làm thế nào để gia tăng nguồn cung trong nước về gỗ có chứng chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và gia tăng giá trị của ngành lâm nghiệp và công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam. Hơn thế nữa, hiện nay trên toàn quốc chỉ có hơn 200.000 ha rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), là một con số rất khiêm tốn so với tổng diện tích rừng sản xuất của cả nước. Do đó, dưới sự cho phép của Thủ tướng chính phủ, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã hợp tác với Chương trình chứng nhận Chứng chỉ rừng, PEFC để xây dựng Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam, VFCS. PEFC là hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững lớn nhất thế giới với diện tích trên 308 triệu ha, chiếm 60% diện tích rừng có chứng chỉ trên toàn thế giới. PEFC được thành lập năm 1999, với mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ rừng tại quốc gia, khu vực và toàn cầu, thông qua việc hợp tác và hỗ trợ các quốc gia thành viên xây dựng và vận hành Hệ thống chứng chỉ rừng của mỗi quốc gia. Việt Nam là thành viên thứ 50 trong tổng số 51 quốc gia thành viên của PEFC.

Dự kiến, vào Quý 2, năm 2020, Hệ thống CCR Việt Nam sẽ được chứng thực bởi PEFC. Điều đó có nghĩa rằng Hệ thống CCR quốc gia Việt Nam sẽ được quốc tế công nhận về việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý và khai thác rừng bền vững. Hệ thống CCR VFCS/PEFC vận hành sẽ góp phần cho việc quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị và dịch vụ môi trường rừng. Đặc biệt VFCS/PEFC sẽ là một giải pháp cho việc gia tăng nguồn cung trong nước về gỗ có chứng chỉ và hợp pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời, sự phát triển của VFCS/PEFC sẽ thúc đẩy sự khai báo gỗ nhập có chứng nhận PEFC, do đó giải quyết được nhu cầu của thị trường về gỗ có chứng nhận PEFC ở Việt Nam và trên thế giới. Điều này là hết sức quan trọng trong bối cảnh phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ ở Việt Nam, và nâng cao giá trị gỗ từ rừng trồng trong nước và góp phần xóa đói giảm nghèo cho công nhân lâm nghiệp.

Hệ thống CCR Việt Nam đang được xây dựng và vận hành bởi Ban chỉ đạo QLRBV và CCR của Bộ NN và PTNT và Tổng cục Lâm Nghiệp. Văn phòng Chứng chỉ rừng, VFCO là cơ quan đầu mối hợp tác với các bên liên quan trong Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia, có nhiệm vụ điều phối các hoạt động về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng bao gồm ban hành các tiêu chuẩn, hướng dẫn của hệ thống. Hiện nay VFCS đang tiến hành các dự án thí điểm về thực hiện cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững VFCS cho hơn rừng keo lai và rừng cao su. Dự kiến cuối năm 2019, hơn 15,000 ha rừng sẽ được cấp chứng chỉ VFCS, và tiến tới được dán nhãn PEFC sau khi hệ thống VFCS được PEFC công nhận.

Do vậy nhằm giới thiệu các thông tin cập nhật về hệ thống CCR Việt Nam; nâng cao sự hiểu biết về Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng PEFC, nhu cầu thị trường và nguồn cung tiềm năng về nguồn gỗ của chứng chỉ VFCS/PEFC, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Văn phòng CCR quốc gia tổ chức hội thảo: Chứng nhận VFCS/PEFC: Nhu cầu, nguồn cung và lợi ích.

Thời gian: ngày 28 tháng 11, năm 2019.

Địa điểm: Hội trường Tầng 3, Trung tâm Triển lãm SECC, 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, Tp HCM

Nội dung chính:

  • Cung cấp các thông tin cập nhật nhất về Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam VFCS, nguồn cung tiềm năng từ VFCS với nhãn PEFC.
  • Tăng cường nhận thức và cập nhật về Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng PEFC một sự lựa chọn tiềm năng giải quyết nhu cầu về gỗ có chứng chỉ trong nước.
  • Trình bày các nghiên cứu điển hình về việc sử dụng sản phẩm có chứng nhận PEFC đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế và xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi việc quản lý rừng bền vững.

Thảo luận: Các vấn đề liên quan tới lợi ích, nhu cầu và nguồn cung của gỗ có chứng nhận PEFC trên toàn cầu. Giải pháp cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm nguồn gỗ có chứng nhận PEFC.

Đọc tiếp...

Lớp tập huấn “Đào tạo chuyên gia về Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng”

Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thúc đẩy các hoạt động về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững, Văn phòng Chứng chỉ rừng Việt Nam 

Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức lớp tập huấn “Đào tạo chuyên gia về Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng” với sự tham gia của chuyên gia đánh giá David Syme của tổ chức JAS-ANZ, với những nội dung như sau: 

  1. Nội dung: Xây dựng đội ngũ chuyên gia trong nước về Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững. 
  2. Thành phần: Cán bộ lâm nghiệp tại các đơn vị: Trường Đại học Lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp, Viện Điều tra quy hoạch rừng và một số công ty lâm nghiệp, chuyên gia đánh giá, tổ chức chứng nhận, tổ chức công nhận hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp, chế biến lâm sản. 
  3. Thời gian, địa điểm: 9/2019, tại KS Royal Huy, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.  

Khóa tập huấn đã thu hút hơn 60 học viên là các chuyên gia về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, đã tham gia và đóng góp các ý kiến cho sự vận hành của Hệ thống chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS).  

VFCS với đầy đủ các thành phần quan trọng của nó bao gồm chuyên gia đánh giá, đánh giá chứng nhận, công nhận, giám sát hệ thống sẽ đảm bảo cho sự vận hành trong việc đánh giá và cấp chứng chỉ rừng rõ ràng và minh bạch, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước cũng như quốc tế.

Đồng thời Văn phòng chứng chỉ rừng (VFCO) cũng đã cấp chứng nhận về đào tạo cho các học viên, chuyên gia tham gia lớp học.

                                                                                                   

                                                                                                 Văn phòng Chứng chỉ Rừng

Đọc tiếp...

Sự phối hợp giữa Hiệp định Tăng cường luật pháp, Quản lý và Thương mại lâm sản (FLEGT)và Chương trình Chứng nhận Chứng chỉ rừng (PEFC)

Sự phối hợp giữa Hiệp định Tăng cường luật pháp, Quản lý và Thương mại lâm sản (FLEGT) / Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) và Chương trình Chứng nhận Chứng chỉ rừng (PEFC): Một tương lai lạc quan cho ngành Lâm nghiệp và sản xuất gỗ tại Việt Nam

Các chương trình mang tính bền vững và hợp pháp như Chương trình chứng nhận Chứng chỉ rừng PEFC và các Hiệp định tăng cường thực thi lâm luật và thương mại lâm sản VPA/FLEGT đang hoạt động song hành tại nhiều nước nhiệt đới châu Á. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hạn chế trong việc phối hợp các sáng kiến này trong cùng một quốc gia cũng như giữa các quốc gia với nhau.

Vì vậy, để đảm bảo sự phối hợp và liên kết có ý nghĩa giữa các sáng kiến này là một trong những thông điệp chính được truyền tải tại Tuần lễ lâm nghiệp Châu Á – Thái Bình Dương 2019 (APFW). Chủ đề đã được thực hiện thông qua sự kiện chung giữa PEFC quốc tế và APFW “Tăng cường sự phối hợp giữa PEFC và các sáng kiến khác như FLEGT, áp dụng kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”.

Các tổ chức tham gia thừa nhận rằng VPA/FLEGT và Chứng nhận rừng tự nguyện PEFC có nền tảng phát triển, phạm vi, quy trình vận hành khác nhau, và giải quyết các khía cạnh nhất định cho mục tiêu cuối cùng là quản lý rừng bền vững. Một sự khác biệt chính là trong mục tiêu quản lý. Chứng nhận PEFC đẩy mạnh công tác quản lý rừng bền vững, cân bằng các lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường, đồng thời tuân thủ kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp và minh bạch trong sản xuất lâm nghiệp; trong khi VPA/FLEGT tập trung vào tính hợp pháp của gỗ và thực thi pháp luật. Rõ ràng, phạm vi quản lý của PEFC rộng hơn VPA/FLEGT. Hơn nữa, VPA/FLEGT, một hiệp định thương mại song phương ràng buộc về mặt pháp lý giữa các quốc gia sản xuất gỗ và Liên minh châu Âu (EU), là bắt buộc và được áp dụng trên toàn quốc. Ngược lại, Chứng nhận PEFC là một công cụ lâm nghiệp có tính chất tự nguyện, được áp dụng ở cấp đơn vị lâm nghiệp hoặc chuỗi cung ứng, Chứng nhận PEFC có thể trở thành quy định tùy thuộc vào chiến lược của mỗi quốc gia.

Mặc dù có những khác biệt nhưng VPA/FLEGT và Chứng nhận PEFC là những sáng kiến bổ sung cho nhau, đưa ra nhiều điểm tương đồng và được khuyến khích mạnh mẽ để có sự phối hợp kịp thời và chặt chẽ hơn. Ví dụ: cả hai đều sử dụng các tiêu chuẩn về hiệu suất để đo tính hiệu quả, Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (TLAS) cho VPA/FLEGT; và các tiêu chuẩn về Quản lý rừng bền vững và Chuỗi hành trình sản phẩm cho PEFC. Sự tham gia của các bên liên quan là cốt lõi và được duy trì có chủ ý trong tất cả các giai đoạn phát triển. Các công cụ xác minh được sử dụng để đảm bảo rằng việc khai thác đáp ứng tất cả các yêu cầu trước khi cấp giấy chứng nhận hoặc giấy phép FLEGT. Vì vậy, “việc thừa nhận các điểm tương đồng giữa VPA/FLEGT và Chứng chỉ rừng là điều cần thiết để loại bỏ việc sao chép và tránh các nguồn gốc tranh cãi ngoài ý muốn”, ông Alexander Hinrichs, Viện lâm nghiệp châu Âu, giải thích. Sự phối hợp này sẽ mang lại lợi ích đáng kể trong việc tạo điều kiện thuận lợi về mậu dịch giữa các khu vực và quốc gia, cải thiện hiệu quả chi phí và khả năng tiếp cận thị trường, khả năng cạnh tranh cho đơn vị sản xuất, kinh doanh gỗ hợp pháp và được chứng nhận.

Ông Bruno Cammaert, Chương trình FAO-EU FLEGT, nhấn mạnh rằng, “điều quan trọng là cần cân nhắc đến việc phối hợp giữa hai sáng kiến càng sớm càng tốt. Chương trình FAO-EU FLEGT có sẵn nguồn lực và sẵn sàng hỗ trợ cho nỗ lực phối hợp này”. Điều này đặc biệt hữu ích đối với các quốc gia như Việt Nam, quốc gia đang ở những giai đoạn quyết định để hoàn thiện cấu trúc cho các hoạt động của VPA/FLEGT Việt Nam; và phát triển Hệ thống chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS) để cấp chứng chỉ VFCS/PEFC. Có rất nhiều khả năng phối hợp, trong đó gỗ được chứng nhận VFCS/PEFC có thể được miễn hoặc chịu ít tác động từ các quy trình xác minh tính hợp pháp của gỗ theo VPA/FLEGT hơn so với gỗ không được chứng nhận. Cơ quan VPA/FLEGT Việt Nam cũng có thể yêu cầu gỗ nhập khẩu vào Việt Nam, muốn có giấy phép FLEGT, cần phải có chứng nhận PEFC hoặc yêu cầu nguồn gỗ PEFC kiểm soát. Các tiêu chuẩn VFCS/PEFC và các quy trình xác minh cần được tích hợp vào Hệ thống phân loại tổ chức theo VN-TLAS để đánh giá rủi ro của các nhà sản xuất. Mặt khác, VN-TLAS cũng cần được các hệ thống chứng nhận công nhận. Gỗ hợp pháp được xác minh theo TLAS với việc đáp ứng một số yêu cầu bổ sung như không chuyển đổi rừng liên quan đến sản xuất và có thể bao gồm yêu cầu nguồn do PEFC kiểm soát.

Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam rất quyết tâm trong việc thực hiện và cam kết mạnh mẽ. Tiến sĩ Bùi Chính Nghĩa, Phó Chánh Văn phòng VFCS, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp cam kết rằng “VFCS sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo rằng sẽ hiện thực hóa sự phối hợp giữa VFCS/PEFC và VPA/FLEGT Việt Nam. Chúng ta đang có một vị thế tốt cho một cuộc đàm phán như vậy, hai sáng kiến này do cùng một cơ quan chính phủ hàng đầu của ngành lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam (VNFOREST) phụ trách và chỉ đạo”.

Sự kiện này mở ra một tương lai lạc quan cho sự hợp tác toàn vẹn giữa VPA/FLEGT và Chứng nhận PEFC không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực ASEAN. Ông Richard Laity, PEFC quốc tế, kết luận rằng “PEFC quốc tế đang hợp tác tích cực với cộng đồng ASEAN để tạo điều kiện hợp tác khu vực nhằm tối đa hóa sự phối hợp giữa các chương trình chứng nhận rừng quốc gia và VPA/FLEGT. Chúng tôi mong muốn hợp tác mạnh mẽ hơn nữa để hiện thực hóa chiến lược này trong khu vực”.

Văn phòng chứng chỉ rừng và Tổ chức Chứng chỉ Rừng PEFC

 

Đọc tiếp...

Chứng nhận VFCS/PEFC tiếp bước đột phá cho xuất khẩu gỗ và lâm sản VN

Chia sẻ về cơ hội cho Chứng chỉ rừng PEFC/VFCS từ doanh nghiệp

Mở cánh cửa thị trường Châu Âu

Sản phẩm gỗ và lâm sản của Việt Nam đã có mặt tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, với thị trường lớn nhất là Mỹ, Nhật và Châu Âu.

Trong năm 2019 và sắp tới, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu lại được tiếp sức nhiều hơn để tăng trưởng, phát triển nhờ các yếu tố tích cực từ trong và ngoài nước tác động, gồm: Về mặt thuế quan, ngày 30/06/2019, Việt Nam ký cùng lúc 2 hiệp định quan trọng với Liên minh Châu Âu là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (Euro Vietnam Free Trade Agreement, EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (Investment Protection Agreement, IPA) tiến tới việc xóa bỏ gần 99% thuế quan giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.

Ngay sau khi ký kết hiệp định có hiệu lực thì 71% thuế quan hàng hóa Việt Nam nhập vào Liên minh Châu Âu sẽ được xóa bỏ. Sang năm 2020 là khoảng 85%, trong đó có mặt hàng đồ gỗ và phần còn lại được xóa bỏ trong thời hạn tối đa là 7 năm. Như vậy, đồ gỗ và lâm sản xuất khẩu sang thị trường Châu Âu được mở toang cánh cửa về thuế quan, thị trường đang đứng thứ 3 của Việt Nam về đồ gỗ và lâm sản xuất khẩu trong năm 2020 sắp tới dự kiến sẽ có nhiều đột phá và biến chuyển về kim ngạch xuất khẩu, số lượng và tính đa dạng sản phẩm, hàng hóa.

Về mặt kỹ thuật, nếu như trước đây các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản vào thị trường Liên minh Châu Âu và các thị trường khó tính khác cần phải có chứng chỉ của tổ chức FSC (Forest Stewardship Council) về các loại chứng nhận FSC-FM (quản lý rừng), FSC-CoC (chuỗi hành trình sản phẩm) và FSC-CW (nguồn gỗ có kiểm soát FSC) thì với việc Việt Nam gia nhập và trở thành thành viên thứ 50 của tổ chức PEFC vào ngày 17/6/2019, chuẩn bị cho việc xem xét và phê duyệt Chương trình chứng nhận quản lý rừng quốc gia Việt Nam theo PEFC (VFCS/PEFC) vào tháng 2/2020. Bao gồm các loại chứng nhận như VFCS/PEFC-FM (quản lý rừng) và VFCS/PEFC-CoC (chuỗi hành trình sản phẩm). Các chứng nhận của VFCS/PEFC tương tự như chứng nhận FSC sẽ tạo điều kiện cho các chủ rừng, DN chế biến và thương mại gỗ và lâm sản có thêm một sự lựa chọn để khai báo bán hàng cho việc xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa của mình trên thị trường quốc tế.

Khuyến khích quản lý rừng bền vững

PEFC (Programme for the Endorsement of Forest Certification – Chương trình chứng thực chứng nhận rừng) là một tổ chức phi chính phủ thành lập năm 1999 (tại Paris, Pháp). Hiện có văn phòng chính tại Geneva, Thụy Sĩ. PEFC khuyến khích việc quản lý rừng bền vững thông qua việc chứng thực (xác nhận, phê duyệt) tiêu chuẩn quản lý rừng của các quốc gia (bộ tiêu chuẩn quản lý rừng quốc gia) phù hợp theo các đặc điểm và điều kiện địa phương, áp dụng cho việc đánh giá cấp chứng nhận quản lý rừng trong phạm vi quốc gia đó đảm bảo việc quản lý rừng tốt, gỗ và lâm sản ngoài gỗ được chứng nhận (theo PEFC) được sản xuất theo chuẫn sinh thái, xã hội và đạo đức cao nhất.

Hiện nay, PEFC có 51 thành viên quốc gia tham dự và đã chứng thực chứng nhận quản lý rừng cho 44 quốc gia với 2 loại chứng nhận là chứng nhận quản lý rừng PEFC-FM (forest management) với số lượng 9.440 chứng nhận cho hơn 311 triệu ha rừng và chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC (chain of custody) với số lượng hơn 20.000 chứng nhận (doanh nghiệp sản xuất, thương mại) trên toàn thế giới. (Theo số liệu PEFC, tháng 6/2019).

Chương trình chứng nhận rừng quốc gia Việt Nam (Vietnam Forest Certification Schemes, VFCS; theo Tổng cục lâm nghiệp Việt Nam gọi là Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam) được xây dựng bởi Văn phòng chứng chỉ rừng quốc gia Việt Nam (Vietnam Forest Certification Office, VFCO) ban hành bộ tiêu chuẩn đầu tiên về quản lý rừng của quốc gia Việt Nam dự kiến sẽ được PEFC chứng thực vào đầu năm 2020.

Bộ tiêu chuẩn này cung cấp các yêu cầu cụ thể áp dụng cho hệ thống quản lý rừng của các chủ rừng, đặc biệt là các nhóm chủ rừng có diện tích rừng nhỏ phù hợp với điều kiện của quốc gia Việt Nam để đạt chứng nhận hệ thống quản lý rừng VFCS/PEFC-FM tạo ra nguồn nguyên liệu chứng nhận PEFC cho gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Cũng như bao gồm các yêu cầu liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu/sản phẩm cho các DN chế biến và thương mại gỗ và lâm sản đạt chứng nhận hệ thống chuỗi hành trình sản phẩm VFCS/PEFC-CoC có thể khai báo sản phẩm chứng nhận PEFC khi bán hàng.

Hiện nay, các mô hình thí điểm xây dựng hệ thống quản lý rừng bền vững và chuỗi hành trình sản phẩm chứng nhận theo VFCS/PEFC đang được thực hiện ở một số khu rừng các tỉnh miền Trung và các khu rừng cao su, nhà máy chế biến mủ và gỗ cao su thuộc VRG ở miền Nam để đúc kết các kết quả thực tế nhằm hoàn thiện nội dung của bộ tiêu chuẩn chứng nhận rừng quốc gia Việt Nam.

CHÍ HÙNG

Đọc tiếp...

Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 50 của tổ chức PEFC

Ngày 25/02/2019, Tổng cục Lâm nghiệp đã ban hành Quyết định số 49/QĐ-TCLN-VP về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (gọi tắt là Văn phòng chứng chỉ rừng). Theo đó, văn phòng chứng chỉ rừng có nhiệm vụ tham mưu giúp Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức thực hiện Đề án quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng theo quy định tại Quyết định 1288/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của Pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Sau thời gian chuẩn bị thì Việt Nam chính thức là thành viên thứ 50 của tơ chức PEFC

Văn phòng chứng chỉ rừng chính thức đại diện cho Việt Nam tham gia thành viên của tổ chức PEFC (Thông báo chính thức tử trang web của PEFC)

Văn phòng Chứng chỉ rừng có nhiệm vụ:

- Đầu mối hợp tác với các tổ chức chứng chỉ rừng quốc tế; chủ trì và triển khai hoạt động về chứng chỉ rừng ở Việt Nam; 

- Xây dựng và phát triển thương hiệu chứng chỉ rừng Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế;

- Thiết lập và vận hành hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia, gồm: phát triển bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững; hình thành các tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ rừng đáp ứng được yêu cầu quốc tế; 

- Tổ chức thực hiện việc ấp chứng chỉ rừng theo hệ thống chứng chỉ rừng của Việt Nam: Ký kết thỏa thuận về việc cho phép các Tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ rừng sử dụng thương hiệu chứng chỉ rừng Việt Nam; kiểm tra, giám sát tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ rừng theo hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam;

- Ký kết các văn bản hợp tác với các tổ chức chứng chỉ rừng quốc tế; 

- Ký các văn bản, biên bản với các cơ quan liên quan về vận hành hệ thống chứng chỉ rừng của Việt Nam theo quy định của pháp luật.

PEFC là cơ quan chứng thực để vận hành hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia đáp ứng các tiêu chuẩn chung của Quốc tế về Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rưng. Nhằm thực hiện hiệu quả quản lý rừng bền vững cho toàn bộ diện tích rừng trên toàn quốc, từng bước đảm bảo và nâng cao giá trị về kinh tế, xã hội và môi trường của rừng phù hợp với yêu cầu và tiến trình phát triển của quốc tế trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chứng chỉ cho sản xuất, chế biến xuất khẩu lâm sản.

Ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Chánh Văn phòng Chứng chỉ rừng phát biểu khi Việt Nam là thành viên PEFC "Là thành viên của hệ thống PEFC sẽ giúp cho Việt Nam có thể thúc đẩy mạnh hơn nữa quản lý rừng bền vững, và đáp ứng được các yêu cầu về gỗ bền vững cho thị trường trong nước và quốc tế"

 

 

Văn phòng chứng chỉ rừng 

Đọc tiếp...
Tìm thấy 20 bài viết.
  • First
  • Previous
  • //TODO: work on SQLCE guide
  • //TODO: work on SQLCE guide