Hội thảo “Chứng nhận PEFC/VFCS: Nhu cầu, nguồn cung và lợi ích” tại Triển lãm nội thất quốc tế Việt Nam – VIFF 2019

Cập nhật ngày : 19/11/2019 09:42

Sự tăng trưởng nhanh chóng và bền vững của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt nam có liên quan mật thiết tới khả năng của Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, tính hợp pháp, các yếu tố môi trường và xã hội của các nước phát triển- là thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm đồ gỗ Việt Nam. Đặc biệt là hơn 80% nguyên liệu sản xuất đồ gỗ có chứng chỉ của Việt Nam vẫn là nhập khẩu. Điều này đặt ra câu hỏi cấp thiết về làm thế nào để gia tăng nguồn cung trong nước về gỗ có chứng chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và gia tăng giá trị của ngành lâm nghiệp và công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam. Hơn thế nữa, hiện nay trên toàn quốc chỉ có hơn 200.000 ha rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), là một con số rất khiêm tốn so với tổng diện tích rừng sản xuất của cả nước. Do đó, dưới sự cho phép của Thủ tướng chính phủ, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã hợp tác với Chương trình chứng nhận Chứng chỉ rừng, PEFC để xây dựng Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam, VFCS. PEFC là hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững lớn nhất thế giới với diện tích trên 308 triệu ha, chiếm 60% diện tích rừng có chứng chỉ trên toàn thế giới. PEFC được thành lập năm 1999, với mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ rừng tại quốc gia, khu vực và toàn cầu, thông qua việc hợp tác và hỗ trợ các quốc gia thành viên xây dựng và vận hành Hệ thống chứng chỉ rừng của mỗi quốc gia. Việt Nam là thành viên thứ 50 trong tổng số 51 quốc gia thành viên của PEFC.

Dự kiến, vào Quý 2, năm 2020, Hệ thống CCR Việt Nam sẽ được chứng thực bởi PEFC. Điều đó có nghĩa rằng Hệ thống CCR quốc gia Việt Nam sẽ được quốc tế công nhận về việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý và khai thác rừng bền vững. Hệ thống CCR VFCS/PEFC vận hành sẽ góp phần cho việc quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị và dịch vụ môi trường rừng. Đặc biệt VFCS/PEFC sẽ là một giải pháp cho việc gia tăng nguồn cung trong nước về gỗ có chứng chỉ và hợp pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời, sự phát triển của VFCS/PEFC sẽ thúc đẩy sự khai báo gỗ nhập có chứng nhận PEFC, do đó giải quyết được nhu cầu của thị trường về gỗ có chứng nhận PEFC ở Việt Nam và trên thế giới. Điều này là hết sức quan trọng trong bối cảnh phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ ở Việt Nam, và nâng cao giá trị gỗ từ rừng trồng trong nước và góp phần xóa đói giảm nghèo cho công nhân lâm nghiệp.

Hệ thống CCR Việt Nam đang được xây dựng và vận hành bởi Ban chỉ đạo QLRBV và CCR của Bộ NN và PTNT và Tổng cục Lâm Nghiệp. Văn phòng Chứng chỉ rừng, VFCO là cơ quan đầu mối hợp tác với các bên liên quan trong Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia, có nhiệm vụ điều phối các hoạt động về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng bao gồm ban hành các tiêu chuẩn, hướng dẫn của hệ thống. Hiện nay VFCS đang tiến hành các dự án thí điểm về thực hiện cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững VFCS cho hơn rừng keo lai và rừng cao su. Dự kiến cuối năm 2019, hơn 15,000 ha rừng sẽ được cấp chứng chỉ VFCS, và tiến tới được dán nhãn PEFC sau khi hệ thống VFCS được PEFC công nhận.

Do vậy nhằm giới thiệu các thông tin cập nhật về hệ thống CCR Việt Nam; nâng cao sự hiểu biết về Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng PEFC, nhu cầu thị trường và nguồn cung tiềm năng về nguồn gỗ của chứng chỉ VFCS/PEFC, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Văn phòng CCR quốc gia tổ chức hội thảo: Chứng nhận VFCS/PEFC: Nhu cầu, nguồn cung và lợi ích.

Thời gian: ngày 28 tháng 11, năm 2019.

Địa điểm: Hội trường Tầng 3, Trung tâm Triển lãm SECC, 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, Tp HCM

Nội dung chính:

  • Cung cấp các thông tin cập nhật nhất về Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam VFCS, nguồn cung tiềm năng từ VFCS với nhãn PEFC.
  • Tăng cường nhận thức và cập nhật về Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng PEFC một sự lựa chọn tiềm năng giải quyết nhu cầu về gỗ có chứng chỉ trong nước.
  • Trình bày các nghiên cứu điển hình về việc sử dụng sản phẩm có chứng nhận PEFC đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế và xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi việc quản lý rừng bền vững.

Thảo luận: Các vấn đề liên quan tới lợi ích, nhu cầu và nguồn cung của gỗ có chứng nhận PEFC trên toàn cầu. Giải pháp cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm nguồn gỗ có chứng nhận PEFC.

File đính kèm:  Thư mời và Chương trình_Hội thảo PEFC VFCS_SECC_28.11_13h30 (1).pdf