Tìm kiếm bài viết

Sự phối hợp giữa Hiệp định Tăng cường luật pháp, Quản lý và Thương mại lâm sản (FLEGT)và Chương trình Chứng nhận Chứng chỉ rừng (PEFC)

Sự phối hợp giữa Hiệp định Tăng cường luật pháp, Quản lý và Thương mại lâm sản (FLEGT) / Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) và Chương trình Chứng nhận Chứng chỉ rừng (PEFC): Một tương lai lạc quan cho ngành Lâm nghiệp và sản xuất gỗ tại Việt Nam

Các chương trình mang tính bền vững và hợp pháp như Chương trình chứng nhận Chứng chỉ rừng PEFC và các Hiệp định tăng cường thực thi lâm luật và thương mại lâm sản VPA/FLEGT đang hoạt động song hành tại nhiều nước nhiệt đới châu Á. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hạn chế trong việc phối hợp các sáng kiến này trong cùng một quốc gia cũng như giữa các quốc gia với nhau.

Vì vậy, để đảm bảo sự phối hợp và liên kết có ý nghĩa giữa các sáng kiến này là một trong những thông điệp chính được truyền tải tại Tuần lễ lâm nghiệp Châu Á – Thái Bình Dương 2019 (APFW). Chủ đề đã được thực hiện thông qua sự kiện chung giữa PEFC quốc tế và APFW “Tăng cường sự phối hợp giữa PEFC và các sáng kiến khác như FLEGT, áp dụng kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”.

Các tổ chức tham gia thừa nhận rằng VPA/FLEGT và Chứng nhận rừng tự nguyện PEFC có nền tảng phát triển, phạm vi, quy trình vận hành khác nhau, và giải quyết các khía cạnh nhất định cho mục tiêu cuối cùng là quản lý rừng bền vững. Một sự khác biệt chính là trong mục tiêu quản lý. Chứng nhận PEFC đẩy mạnh công tác quản lý rừng bền vững, cân bằng các lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường, đồng thời tuân thủ kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp và minh bạch trong sản xuất lâm nghiệp; trong khi VPA/FLEGT tập trung vào tính hợp pháp của gỗ và thực thi pháp luật. Rõ ràng, phạm vi quản lý của PEFC rộng hơn VPA/FLEGT. Hơn nữa, VPA/FLEGT, một hiệp định thương mại song phương ràng buộc về mặt pháp lý giữa các quốc gia sản xuất gỗ và Liên minh châu Âu (EU), là bắt buộc và được áp dụng trên toàn quốc. Ngược lại, Chứng nhận PEFC là một công cụ lâm nghiệp có tính chất tự nguyện, được áp dụng ở cấp đơn vị lâm nghiệp hoặc chuỗi cung ứng, Chứng nhận PEFC có thể trở thành quy định tùy thuộc vào chiến lược của mỗi quốc gia.

Mặc dù có những khác biệt nhưng VPA/FLEGT và Chứng nhận PEFC là những sáng kiến bổ sung cho nhau, đưa ra nhiều điểm tương đồng và được khuyến khích mạnh mẽ để có sự phối hợp kịp thời và chặt chẽ hơn. Ví dụ: cả hai đều sử dụng các tiêu chuẩn về hiệu suất để đo tính hiệu quả, Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (TLAS) cho VPA/FLEGT; và các tiêu chuẩn về Quản lý rừng bền vững và Chuỗi hành trình sản phẩm cho PEFC. Sự tham gia của các bên liên quan là cốt lõi và được duy trì có chủ ý trong tất cả các giai đoạn phát triển. Các công cụ xác minh được sử dụng để đảm bảo rằng việc khai thác đáp ứng tất cả các yêu cầu trước khi cấp giấy chứng nhận hoặc giấy phép FLEGT. Vì vậy, “việc thừa nhận các điểm tương đồng giữa VPA/FLEGT và Chứng chỉ rừng là điều cần thiết để loại bỏ việc sao chép và tránh các nguồn gốc tranh cãi ngoài ý muốn”, ông Alexander Hinrichs, Viện lâm nghiệp châu Âu, giải thích. Sự phối hợp này sẽ mang lại lợi ích đáng kể trong việc tạo điều kiện thuận lợi về mậu dịch giữa các khu vực và quốc gia, cải thiện hiệu quả chi phí và khả năng tiếp cận thị trường, khả năng cạnh tranh cho đơn vị sản xuất, kinh doanh gỗ hợp pháp và được chứng nhận.

Ông Bruno Cammaert, Chương trình FAO-EU FLEGT, nhấn mạnh rằng, “điều quan trọng là cần cân nhắc đến việc phối hợp giữa hai sáng kiến càng sớm càng tốt. Chương trình FAO-EU FLEGT có sẵn nguồn lực và sẵn sàng hỗ trợ cho nỗ lực phối hợp này”. Điều này đặc biệt hữu ích đối với các quốc gia như Việt Nam, quốc gia đang ở những giai đoạn quyết định để hoàn thiện cấu trúc cho các hoạt động của VPA/FLEGT Việt Nam; và phát triển Hệ thống chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS) để cấp chứng chỉ VFCS/PEFC. Có rất nhiều khả năng phối hợp, trong đó gỗ được chứng nhận VFCS/PEFC có thể được miễn hoặc chịu ít tác động từ các quy trình xác minh tính hợp pháp của gỗ theo VPA/FLEGT hơn so với gỗ không được chứng nhận. Cơ quan VPA/FLEGT Việt Nam cũng có thể yêu cầu gỗ nhập khẩu vào Việt Nam, muốn có giấy phép FLEGT, cần phải có chứng nhận PEFC hoặc yêu cầu nguồn gỗ PEFC kiểm soát. Các tiêu chuẩn VFCS/PEFC và các quy trình xác minh cần được tích hợp vào Hệ thống phân loại tổ chức theo VN-TLAS để đánh giá rủi ro của các nhà sản xuất. Mặt khác, VN-TLAS cũng cần được các hệ thống chứng nhận công nhận. Gỗ hợp pháp được xác minh theo TLAS với việc đáp ứng một số yêu cầu bổ sung như không chuyển đổi rừng liên quan đến sản xuất và có thể bao gồm yêu cầu nguồn do PEFC kiểm soát.

Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam rất quyết tâm trong việc thực hiện và cam kết mạnh mẽ. Tiến sĩ Bùi Chính Nghĩa, Phó Chánh Văn phòng VFCS, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp cam kết rằng “VFCS sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo rằng sẽ hiện thực hóa sự phối hợp giữa VFCS/PEFC và VPA/FLEGT Việt Nam. Chúng ta đang có một vị thế tốt cho một cuộc đàm phán như vậy, hai sáng kiến này do cùng một cơ quan chính phủ hàng đầu của ngành lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam (VNFOREST) phụ trách và chỉ đạo”.

Sự kiện này mở ra một tương lai lạc quan cho sự hợp tác toàn vẹn giữa VPA/FLEGT và Chứng nhận PEFC không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực ASEAN. Ông Richard Laity, PEFC quốc tế, kết luận rằng “PEFC quốc tế đang hợp tác tích cực với cộng đồng ASEAN để tạo điều kiện hợp tác khu vực nhằm tối đa hóa sự phối hợp giữa các chương trình chứng nhận rừng quốc gia và VPA/FLEGT. Chúng tôi mong muốn hợp tác mạnh mẽ hơn nữa để hiện thực hóa chiến lược này trong khu vực”.

Văn phòng chứng chỉ rừng và Tổ chức Chứng chỉ Rừng PEFC

 

Đọc tiếp...
Tìm thấy 1 bài viết.