Thương mại lâm sản bền vững ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông nhằm thúc đẩy quản lý rừng bền vững tại Việt Nam

Cập nhật ngày : 05/04/2021 02:04

Thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Văn phòng Chứng chỉ rừng (VFCO) và Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng (PEFC) trong việc hợp tác ngày càng sâu rộng và tăng cường năng lực quốc gia về quản trị rừng, quản lý rừng bền vững trong khu vực hạ lưu sông Mê Kông. Ngày 01/4/2021 tại Hà Nội, VFCO và PEFC đã tổ chức Hội thảo “Thương mại lâm sản bền vững ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông nhằm thúc đẩy quản lý rừng bền vững tại Việt Nam”. Ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp cùng đại diện PEFC chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có trên 60 đại biểu, bao gồm cả tham dự trực tuyến: Các đơn vị thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Văn phòng Chứng chỉ rừng, tổ chức PEFC, Văn phòng công nhận chất lượng (BoA) – Bộ Khoa học Công nghệ, các tổ chức chứng nhận (GFA, Bureau Veritas, SGS, TUV-SUD, TUV-NORD, Nepcon, IQC...), Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Lâm nghiệp, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn An Việt Phát, GIZ, FAO,  RECOFTC, Luong Consulting, UNIQUE, Liên minh HTX thừa Thiên Huế...

Hội thảo được nghe các báo cáo của các đại diện PEFC, VFCO, BoA, Vụ KHCN và HTQT - Tổng cục Lâm nghiệp về Giới thiệu các hoạt động trong khuôn khổ của PEFC; Tình hình thực hiện hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia; Quy định và kinh nghiệm của BoA trong thực hiện chứng nhận VFCS; Thương mại và chứng chỉ rừng của ASEAN, Tổng quan về tiến trình thực hiện VPA/FLEGT tại Việt Nam; Khả năng phối hợp với hệ thống chứng chỉ rừng.

 Sau khi các đại biểu thảo luận sôi nổi, Hội thảo thống nhất, mặc dù Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) mới được thành lập nhưng đã có nhiều cố gắng hoàn thiện hệ thống, hoạt động hiệu quả, có kết quả bước đầu hết sức quan trọng, đã cấp chứng chỉ rừng cho 50.000 ha cao su và hơn 800 ha rừng trồng khác. Tuy nhiên, cũng còn có những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ như, về phát triển các Tổ chức chứng nhận. Theo Nghị định 107/2016/NĐ-CP yêu cầu các chuyên gia đánh giá phải có kinh nghiệm, cụ thể 20 ngày công. Nhưng do, là hệ thống mới nên yêu cầu này không thực hiện được. Cấn có hướng xây dựng mô hình đánh giá thử.

Để đạt mục tiêu cấp chứng chỉ rừng bền vững cho 1.000.000 ha rừng trồng vào năm 2030 cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

  • Hoàn thiện thể chế (sửa đổi bổ sung Nghị định 107/2016/NĐ-CP) theo hướng tháo gỡ những nội dung không phù hợp với thực tiễn;
  • Hoàn thiện và tăng cường nâng cao năng lực các bên liên quan trong hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia;
  • Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội, doanh nghiệp, chủ rừng về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng;
  • Chủ động đào tạo, đặc biệt các chuyên gia đánh giá của các Tổ chức chứng nhận về chứng chỉ rừng.