Phát triển chính sách quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng ở Việt Nam

Cập nhật ngày : 21/12/2018 01:07

Thông điệp chính

Chính phủ Việt Nam và Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ và tăng cường hoạt động bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng bền vững có hiệu quả, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các chủ rừng. Ngày 03 tháng 11 năm 2014 Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT về “Hướng dẫn phương án quản lý rừng bền vững”. Cùng với các chính sách khác, Thông tư 38 đã mang lại các tác dụng tích cực và hiệu quả rõ rệt trong hoạt động quản lý rừng bền vững tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi thực thi trên thực tế cũng đã bộc lộ những hạn chế. Vì vậy, rất cần sửa đổi, bổ sung Thông tư này nhằm tuân theo các quy định của Luật Lâm nghiệp 2017, phù hợp với thực trạng quản lý rừng của Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu của Quốc tế.

Nội dung cần sửa đổi, bổ sung Thông tư 38 sẽ tập trung vào các khía cạnh về Quản lý và Kỹ thuật bao gồm: 1) Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; 2) Các hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt, phương án quản lý rừng bền vững; 3) Nội dung của phương án quản lý rừng bền vững; 4) Giám sát và đánh giá và 5) Xác lập hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam.

Giới thiệu

Mục tiêu chính của quản lý rừng bền vững là quản lý những khu rừng bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội. Phong trào quản lý rừng bền vững được phát động trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt phát triển mạnh mẽ từ sau Hội nghị Rio de Raneiro (1992) về Môi trường và Phát triển. Đến tháng 12 năm 2017, đã có 500 triệu ha rừng trên toàn thế giới được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FM và FM/CoC theo tiêu chuẩn FSC và PEFC.

Quản lý rừng bền vững tạo ra những khu rừng bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội

Việt Nam tham gia tiến trình quản lý rừng bền vững từ năm 1998, nhưng trước thời điểm tháng 11/2014, ngành lâm nghiệp vẫn chưa áp dụng một chính sách mang tính pháp quy về các nguyên tắc, tiêu chí, trình tự thực hiện quản lý rừng bền vững. Các hoạt động có liên quan đến quản lý rừng bền vững mới chỉ dừng ở mức độ thí điểm và tự phát, trông chờ vào viện trợ. Ngành lâm nghiệp Việt Nam rất cần chính sách xác định các nguyên tắc và trình tự thực hiện quản lý rừng bền vững, nhằm tháo gỡ các khó khăn trong tiến trình đạt được mục tiêu của Chiến lược phát triển lâm nghiệp là "Quản lý bền vững và có hiệu quả với 8,4 triệu ha rừng sản xuất... Phấn đấu ít nhất có được 30% diện tích rừng sản xuất có chứng chỉ rừng vào năm 2020”. Đến tháng 12 năm 2017, Việt Nam đã có 31 chủ rừng với hơn 231.000 ha rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, còn cách rất xa diện tích được xác định trong Chiến lược. Ngày 03 tháng 11 năm 2014, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT về “Hướng dẫn phương án quản lý rừng bền vững”. Thông tư 38 có thể xem là văn bản pháp quy quan trọng đã đưa ra các hướng dẫn, các quy định tối thiểu cho một bản Phương án quản lý rừng bền vững cho rừng tự nhiên và rừng trồng, đồng thời cũng định hướng cho việc xác lập hệ thống chứng chỉ rừng ở Việt Nam. Thông tư 38 được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện sẽ là một chính sách mới và là nền tảng cho quá trình phát triển hệ thống chính sách quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng của Việt Nam. Hộp 1 trình bày tóm tắt nội dung chính của thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT.

Hộp 1. Nội dung của Thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT

Thông tư 38 gồm 5 chương, 19 điều, 65 khoản quy định các nội dung sau:

1.         Hướng dẫn cho các chủ rừng về phương pháp, thủ tục lập, trình tự thẩm định, phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững;

2. Hướng dẫn nội dung và thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững theo các nguyên tắc:

-               Chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật, thỏa thuận Quốc tế mà Việt Nam tham gia và những quy định của Phương án quản lý rừng bền vững;

-               Bảo đảm kinh doanh rừng lâu dài, liên tục và đạt hiệu quả kinh tế cao;

-               Tôn trọng quyền sử dụng rừng, sử dụng đất sản xuất hợp pháp hoặc theo phong tục của người dân và cộng đồng địa phương;

-               Tôn trọng quyền của người lao động;

-               Duy trì, phát triển giá trị đa dạng sinh học, khả năng phòng hộ của rừng; bảo vệ môi trường sinh thái;

3. Quy định cho các hoạt động kiểm tra, giám sát;

4. Xây dựng hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam;

5. Thông tư có 7 phụ lục, trong đó quan trọng nhất là phụ lục 1 – Bộ nguyên tắc quản lý rừng bền vững Việt Nam với 151 chỉ số, 51 tiêu chí và 10 nguyên tắc.

Thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT được ban hành cùng với việc thực thi bởi các chủ rừng bao gồm cả các Công ty lâm nghiệp và các Ban quản lý rừng Nhà nước trên thực tế đã mang lại những tác động tích cực rõ rệt: Nâng cao nhận thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường của chủ rừng và cộng đồng; quản lý tài nguyên rừng theo kế hoạch đảm bảo hiệu quả về kinh tế; góp phần cải thiện an sinh xã hội tại địa phương... Trước khi Thông tư 38 được ban hành, chỉ có 8 chủ rừng ở Việt Nam được cấp chứng chỉ FM, sau khi có Thông tư 38 đã có thêm 23 chủ rừng được cấp chứng chỉ FM. Điều đó chứng tỏ chính sách đã ban hành đi đúng hướng, đã thúc đẩy tiến trình quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng của Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

NHỮNG ĐIỂM MẠNH CỦA THÔNG TƯ 38/2014/TT-BNNPTNT KHI ÁP DỤNG TRÊN THỰC TẾ

  1. Bước đầu đã tiếp cận và đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu của Quốc tế về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.
  2. Đề ra được kế hoạch chi tiết và các giải pháp cụ thể hướng dẫn thực hiện QLRBV&CCR.
  3. Có hiệu quả khi triển khai trên thực tế: Giúp các chủ rừng xác lập được kế hoạch hoạt động quản lý tối thiểu cho một chu kỳ kinh doanh bền vững cả 3 mặt Kinh tế - Xã hội và Môi trường. Qua khảo sát hiện trường cho thấy: Trung bình giá bán gỗ có chứng chỉ cao hơn gỗ không có chứng chỉ từ 20 – 25%; độ che phủ của rừng tại các điểm khảo sát tối thiểu được duy trì như khi bắt đầu thực hiện quản lý rừng bền vững; các chủ rừng đã thực hiện tốt các quy định bảo vệ môi trường: Không sử dụng hóa chất bị cấm, xử lý rác thải an toàn, bảo vệ nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất; góp phần cải thiện an sinh xã hội tại địa phương.
  4. Tham vấn và nghiên cứu các báo cáo tại cơ sở cho thấy cộng đồng và chính quyền địa phương rất đồng thuận với chủ trương quản lý rừng bền vững. Nhận thức và hoạt động về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường của các chủ rừng, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trong các khu vực lâm nghiệp được nâng lên rõ rệt; giảm các vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng.
  5. Giúp cho các chủ rừng cải thiện đáng kể hệ thống và phương pháp quản lý, nâng cao được trình độ chuyên môn, kỹ thuật như: Sắp xếp lại bộ máy quản lý phù hợp; hệ thống tài liệu hóa các hồ sơ quản lý theo yêu cầu của các nguyên tắc quản lý rừng bền vững; cải thiện hệ thống kỹ thuật lâm sinh…
  6. Góp phần nâng cao thương hiệu của sản phẩm lâm nghiệp: Các chủ rừng đã có chứng chỉ FM/CoC đã được các cơ sở chế biến hàng gỗ xuất khẩu tiếp cận và thu mua gỗ nguyên liệu được khai thác từ các khu rừng này.

Thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT mặc dù đã mang lại những hiệu quả tích cực trong việc thúc đẩy các hoạt động quản lý rừng bền vững ở nước ta trong thời gian qua. Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện cũng bộc lộ một số điểm hạn chế.

Thông tư 38 đã mang lại một số hiệu quả tích cực trong QLRBV ở Việt Nam

CÁC HẠN CHẾ CỦA THÔNG TƯ 38/2014/TT-BNNPTNT

  1. Phạm vi điều chỉnh còn thiếu đối tượng rừng đặc dụng.
  2. Đối tượng áp dụng còn thiếu các đối tượng/loại hình chủ rừng khác ngoài các công ty lâm nghiệp Nhà nước như: Doanh nghiệp tư nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư.
  3. Trong quy định về nội dung của phương án QLRBV còn thiếu một số hoạt động quản lý quan trọng như: Sản xuất cây con; quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng; bảo tồn, đa dạng sinh học đối với các loại rừng; sử dụng rừng và thương mại lâm sản đối với rừng sản xuất.
  4. Thiếu hướng dẫn phương pháp tính toán về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của Phương án quản lý rừng bền vững.
  5. Khi xác định khu rừng có giá trị bảo tồn cao (HCVF), không quy định thực hiện theo hướng dẫn nào; của Cục Kiểm lâm, WWF Việt Nam hay WWF Đông Dương.
  6. Không quy định rõ cấp thẩm quyền có trách nhiệm thẩm định và phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững cho từng loại hình chủ rừng, đặc biệt đối với các chủ rừng quy mô nhỏ (SLIMF).
  7. Không nêu rõ nội dung giám sát các hoạt động quản lý cũng như tần suất và chỉ số phải kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện quản lý rừng bền vững.
  8. Chưa nêu rõ các trách nhiệm và nội dung cụ thể của các cơ quan quản lý Nhà nước trong hỗ trợ chính sách, giám sát và kiểm tra đánh giá.
  9. Thiếu các tiêu chí đánh giá năng lực và kinh nghiệm của các tổ chức tư vấn và cấp chứng chỉ.

Trên cơ sở các phân tích trên, rất cần xây dựng một chính sách mới đầy đủ hơn và phù hợp hơn với thực trạng của các hoạt động quản lý trong ngành lâm nghiệp Việt Nam dựa trên sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT.

CÁC KHUYẾN NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THÔNG TƯ 38/2014/TT-BNNPTNT

  1. Phạm vi điều chỉnh: Cần bổ sung thêm loại rừng đặc dụng và đối tượng áp dụng là các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình, cá nhân liên kết.
  2. Bổ sung các thuật ngữ liên quan đến quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.
  3. Bổ sung nội dung của phương án quản lý rừng bền vững: Sản xuất cây con; quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng; bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học đối với 2 loại rừng đặc dụng và phòng hộ; sử dụng rừng và thương mại lâm sản đối với rừng sản xuất; kế hoạch quản lý vùng đệm hành lang ven sông suối.
  4. Hướng dẫn các chỉ tiêu và phương pháp tính toán về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của Phương án quản lý rừng bền vững.
  5. Quy định rõ đơn vị có trách nhiệm lập Phương án quản lý rừng bền vững, bao gồm chủ rừng tự làm hoặc do đơn vị tư vấn thực hiện về: Tư cách pháp nhân, năng lực chuyên môn kỹ thuật và tài chính…
  6. Quy định cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt phương án cho từng loại hình chủ rừng; cấp thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát thực hiện phương án cho từng loại hình chủ rừng và nội dung kiểm tra giám sát, các chỉ số và tần số giám sát, chế độ báo cáo.
  7. Đối với HCVF hoặc khu rừng có tầm quan trọng về sinh thái, cần quy định rõ: Tuân theo hướng dẫn/tiêu chuẩn nào? Nội dung chiến lược và kế hoạch bảo tồn HCVF; quy mô (Diện tích), lập bản đồ đa dạng sinh học của khu HCVF…
  8. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước: Cần đưa các nội dung cụ thể về trách nhiệm trong hỗ trợ chính sách, giám sát và kiểm tra đánh giá các hoạt động quản lý cũng như tần suất và chỉ số phải kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện quản lý rừng bền vững.
  9. Quy định rõ trách nhiệm của tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật của Việt Nam và quy định của Quốc tế. Quy định các tiêu chí đánh giá năng lực và kinh nghiệm của các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.

Những khuyến nghị khác:

  1. Cần xác định có tính pháp quy “Quản lý rừng bền vững là bắt buộc, còn chứng chỉ rừng là tự nguyện” (Theo điều 28 của Luật Lâm nghiệp 2017).
  2. Cần hoàn thiện Phụ lục gồm 2 bộ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững Quốc gia theo PEFC và FSC. Bộ tiêu chuẩn nên áp dụng cho cả 2 loại rừng trồng và rừng tự nhiên với các quy định rõ ràng; những chỉ số áp dụng và không áp dụng cho chủ rừng quy mô nhỏ (SLIMF).
  3. Hồ sơ thẩm định cần có đầy đủ các loại tài liệu, các loại bản đồ kèm theo phương án; các báo cáo chuyên đề: Điều tra tài nguyên rừng, điều tra đánh giá tác động môi trường và xã hội, điều tra đa dạng sinh học và khu rừng giá trị bảo tồn cao (HCVF) nếu có, hệ thống số liệu và bản đồ hành lang vùng đệm ven hồ, suối...
  4. Quy định rõ chủ rừng phải tổ chức tham vấn các bên liên quan ở các cấp bao gồm cả hình thức và nội dung cần tham vấn theo mẫu thống nhất.
  5. Bổ sung hướng dẫn các chủ rừng hệ thống giám sát tăng trưởng rừng và xói mòn đất.

KẾT LUẬN

Việt Nam cũng như các nước có nền kinh tế đang trong quá trình chuyến đổi, nhu cầu sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng rất lớn. Vì vậy, rất cần có những chính sách phù hợp nhằm đạt được mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành Lâm nghiệp Việt Nam về quản lý rừng bền vững. Thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT được sửa đổi bổ sung sẽ tiếp cận sát hơn các yêu cầu của Quốc tế và thúc đẩy tiến trình quản lý rừng bền vững, đặc biệt sẽ mở rộng diện tích có chứng chỉ rừng ở Việt Nam, khi 2 bộ tiêu chuẩn Quốc gia được phê duyệt sẽ giúp các chủ rừng có điều kiện lựa chọn tiêu chuẩn phù hợp với thực trạng quản lý của họ. Đồng thời, tiến trình quản lý rừng bền vững và hệ thống chứng chỉ rừng của Việt Nam sẽ được xác lập bền vững.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ NN-PTNT, 2007. Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020.
  2. Đào Công Khanh và Dương Thị Liên – Báo cáo rà soát chính sách quản lý rừng bền vững của Việt Nam, Hà Nội 2017.
  3. Quốc Hội khóa 14,  ngày 15 tháng 11 năm 2017, Luật Lâm nghiệp 2017 số 16/2017/QH14.
  4. Thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT ngày 03 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng bộ NN & PTNT về “Hướng dẫn phương án QLRBV”.

Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp - RECOFTC