Chứng chỉ rừng theo nhóm: mô hình ưu việt cho các chủ rừng nhỏ
Chứng chỉ rừng là một yêu cầu cấp thiết để duy trì và phát triển khả năng tiếp cận của các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam vào các thị trường cao cấp như Mỹ hay Châu Âu.
Tuy nhiên thực hiện chứng chỉ rừng tốn nhiều chi phí, công sức và thời gian, đặc biệt đối với các hộ gia đình, quản lý 1-2 hecta và rừng phân bố phân tán. Trong nhiều trường hợp, chi phí cao là một trở ngại lớn nhất cho các chủ rừng nhỏ thực hiện chứng chỉ rừng.
Điều này đúng cho các các nước phát triển và các nước đang phát triển đặc biệt ở vùng nhiệt đới như Việt Nam, Thái lan, Indonesia, v.v. Trong khi đó, các chủ rừng nhỏ và cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng đối việc việc sản xuất lâm nghiệp và gỗ toàn cầu bởi vì nhóm chủ rừng này quản lý khoảng 25-30% diện tích rừng trên toàn thế giới. Thực tế này đặt ra một yêu cầu rất cấp thiết cho các hệ thống chứng chỉ rừng phải cải tiến nhiều hơn nữa để đảm bảo tất cả các chủ rừng có đủ khả năng tham gia thực hiện chứng chỉ rừng bất kể diện tích quản lý lớn hay nhỏ. Đây là một mục tiêu trọng tâm của Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng PEFC và các hệ thống chứng chỉ rừng của các quốc gia thành viên của PEFC. Phương châm của PEFC đó là “Đảm bảo tất cả các chủ rừng tiếp cận được và hưởng lợi từ chứng chỉ rừng”.
Để hiện thực hoá chủ trương này, PEFC đã tổ chức nhiều hội thảo về chứng chỉ rừng theo nhóm, với sự tham gia của các chuyên gia về chứng chỉ rừng ở cả các nước phát triển và đang phát triển nơi có các hệ thống quản lý rừng khác nhau. Trong khuôn khổ của Tuần lễ PEFC, diễn ra từ ngày 11-15 tháng 11 năm 2019 tại thành phố Wurzburg, Cộng hoà Liên bang Đức, PEFC đã tổ chức hoạt động: Trao đổi ngoài thực địa, trong hai ngày 9 và 10 tháng 11, với chủ đề: Cải tiến mô hình chứng chỉ rừng theo nhóm và nâng cao chất lượng của các hệ thống liên quan. Đây là lần thứ 3 PEFC tổ chức hoạt động này.
Theo nhận định của ông Gerhard Kuske, Trưởng bộ phận kĩ thuật, tổ chức đánh giá GFA, đơn vị đánh giá cấp chứng chỉ rừng hàng đầu ở Việt Nam, “Chứng chỉ rừng theo nhóm là mô hình rất quan trọng để đảm bảo sự tiếp cận của các chủ rừng nhỏ đối với chứng chỉ rừng; và PEFC đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong nỗ lực này”.
Vậy chứng chỉ rừng theo nhóm là gì, những lợi ích của cách tiếp cận này và vì sao Việt Nam nên nhân rộng mô hình này trong quá trình áp dụng hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS).
Chứng chỉ rừng theo nhóm
Theo định nghĩa của PEFC, chứng chỉ rừng theo nhóm là một phương thức thực hiện chứng chỉ rừng mà qua đó các chủ rừng nhỏ có cùng định hướng có thể chia sẻ nguồn nhân lực và tài chính nhằm đạt được chứng chỉ quản lý rừng bền vững được cấp bởi bên thứ ba (PEFC Quốc tế).
Những lợi ích chính của chứng chỉ rừng theo nhóm
Chứng chỉ rừng theo nhóm là một cách phương thức thực hiện chứng chỉ rừng nhằm thích ứng với các hệ thống quản lý đất và rừng phức tạp và đa dạng trên thế giới, đặc biệt là ở các nước nhiệt đới, để đạt được chứng chỉ quản lý rừng (FM) và chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm (CoC). Việc các hộ gia đình và cộng đồng tham gia vào các nhóm chứng chỉ rừng giúp cho việc chia sẻ thông tin, nhu cầu, kinh nghiệm và quá trình truyền đạt các kĩ thuật sản xuất tốt và bền vững được thực hiện dễ dàng và hiệu quả hơn. Thêm vào đó, quá trình chuẩn bị các tài liệu và minh chứng cho việc đánh giá cấp chứng chỉ rừng của bên thứ ba tốn rất nhiều thời gian, do vậy, việc thực hiện theo nhóm sẽ giúp các thành viên san sẻ thời gian và gánh nặng cho hoạt động chuẩn bị này. Đặc biệt, khi có các mô hình và cấu trúc nhóm phù hợp, các trưởng nhóm chứng chỉ rừng có thể hỗ trợ các thành viên một cách tích cực và hiệu quả.
Mặt khác, việc áp dụng chứng chỉ rừng theo nhóm giúp giảm chi phí cho các chủ rừng nhỏ khi thực hiện chứng chỉ rừng rất nhiều. Nhóm càng nhiều thành viên và diện tích rừng càng lớn thì sẽ chi phí thực hiện càng thấp. Ví dụ, chi phí cơ bản đánh giá cấp chứng chỉ lần đầu cho một chứng chỉ quản lý rừng bền vững dao động trong khoảng 150-200 triệu đồng. Về nguyên tắc, chi phí cơ bản này áp dụng cho một lần đánh giá chính cho một chứng chỉ, bất kể diện tích rừng thuộc chứng chỉ đó. Cần lưu ý rằng, chi phí toàn bộ cho việc đánh giá một chứng chỉ chắc chắn sẽ lớn hơn, và dao động tuỳ thuộc vào số lượng mẫu cần kiểm tra, số lượng thành viên và tính phức tạp của rừng nơi làm chứng chỉ. Có thể thấy rằng, chi phí đánh giá này rất cao so với khả năng tài chính của một hộ gia đình. Tuy nhiên khi các hộ liên kết với nhau để có diện tích đủ lớn thì chi phí này sẽ giảm đi rất đáng kể. Do đó mô hình chứng chỉ rừng theo nhóm cho phép nhân rộng diện tích áp dụng chứng chỉ rừng một cách nhanh chóng, hiệu quả với mức chi phí phù hợp.
Các mô hình chứng chỉ rừng theo nhóm ở Việt Nam
Việt Nam có khoảng 2 triệu hộ gia đình, quản lý khoảng 3,4 triệu héc-ta, chiếm khoảng 25% diện tích rừng cả nước. Như vậy, các hộ gia đình thường quản lý một diện tích rất nhỏ, và phần lớn các diện tích rừng này rất phân tán. Do vậy, chứng chỉ rừng theo nhóm là một mô hình tối ưu để mở rộng diện tích chứng chỉ rừng trên toàn quốc.
Thực tế cho thấy rằng, ở nước ta trong tổng số diện tích hơn 230,000 héc-ta rừng đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, chỉ có khoảng 10% diện tích đó thuộc quản lý của các hộ gia đình, phần còn lại là thuộc các công ty lâm nghiệp. Các diện tích có chứng chỉ của các hộ gia đình đều thuộc các nhóm chứng chỉ rừng, ví dụ Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị; hoặc Hội Chủ Rừng Phát triển Bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế. Các hội này được thành lập bởi Chi cục kiểm lâm và chi cục lâm nghiệp, với sự hỗ trợ của các tổ chức khác, ví dụ như WWF. Những Hội này đóng vai trò đại diện của nhóm để làm việc trực tiếp với các tổ chức đánh giá, cũng như hỗ trợ các thành viên trong quá trình chuẩn bị tài liệu và các minh chứng cho việc đánh giá cấp chứng chỉ. Cũng theo ông Gerhard Kuske, tổ chức cấp chứng chỉ GFA, “Các Hội chứng chỉ rừng ở Việt Nam vừa được thành lập trong thời gian gần đây, nhưng đã chứng minh được tính hiệu quả trong việc thực hiện chứng chỉ rừng theo nhóm. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hỗ trợ và nhân rộng những mô hình này ở cấp quốc gia”.
Một yêu cầu cấp thiết đó là làm thế nào để các Hội này tồn tại độc lập và lâu dài để hỗ trợ cho các thành viên trong việc duy trì chứng chỉ sau khi được cấp; đặc biệt là khi sự hỗ trợ từ các tổ chức bên ngoài cả về kĩ thuật và tài chính kết thúc.
Trong bối cảnh đó, liên minh hợp tác xã có thể là một tổ chức phù hợp cho việc phát triển chứng chỉ rừng theo nhóm. Thực tế, mô hình thực hiện chứng chỉ rừng theo nhóm thông qua Liên minh hợp tác xã đang được triển khai thí điểm tại 3 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Phú Yên. Liên minh hợp tác xã của mỗi tỉnh là trưởng nhóm cho một chứng chỉ rừng theo nhóm của từng tỉnh. Dự kiến, khoảng hơn 3500 héc-ta rừng keo thuộc 3 nhóm chứng chỉ này sẽ được đánh giá cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn của Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam, bởi tổ chức đánh giá GFA vào cuối năm 2019. Đây là một bước thử nghiệm quan trọng nhằm đánh giá một cách chính xác việc sử dụng mô hình liên minh hợp tác xã để thực hiện và nhân rộng chứng chỉ rừng theo nhóm ở Việt Nam.