Ngày 25 tháng 8 năm 2020 đánh dấu một cột mốc đặc biệt cho 138 chủ rừng ở tỉnh Thừa Thiên Huế - những chủ rừng trồng keo lai đầu tiên ở Việt Nam được cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững theo bộ tiêu chuẩn của Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS FM). Chứng chỉ được cấp bởi Tổ chức chứng nhận quốc tế, GFA.
Hoạt động đánh giá chứng chỉ rừng tại HTX Hòa Mỹ
Chứng chỉ rừng theo nhóm này bao gồm 850 hecta rừng keo lai, thuộc sở hữu của 124 thành viên hợp tác xã (HTX), thuộc 6 HTX (Phù Bài, Thuỷ Phương, Hoà Lộc, Thuỷ Phù, Hoà Mỹ và Nam Sơn).
Các hợp tác xã thành viên này đã tập hợp với nhau dưới cùng một nhóm để áp dụng tất cả các yêu cầu thuộc Bộ tiêu chuẩn quản lý rừng (QLR) bền vững theo nhóm của VFCS. Nhóm được quản lý bởi Liên Minh HTX Thừa Thiên Huế- là đơn vị đại diện cho nhóm để giữ và quản lý chứng chỉ. Hình thức tổ chức theo nhóm này cho phép các hộ chủ rừng nhỏ chia sẻ các trách nhiệm chung, các kinh nghiệm sản xuất, đặc biệt là để giảm chi phí và các thủ tục hành chính liên quan tới Chứng chỉ rừng.
Chứng chỉ này là thành quả của sự hỗ trợ trong nhiều năm qua của nhiều bên liên quan thông qua dự án “ Thúc đẩy phát triển rừng quy mô hộ gia đình theo hướng phát triển bền vững và quản lý rừng hiệu quả tại Việt Nam”. Dự này được tài trợ tài chính bởi Tổ chức phát triển rừng và thực phẩm Phần Lan (FFD); sự hỗ trợ kĩ thuật của Trung tâm nghiên cứu Biến đổi khí hậu miền Trung, ĐH Nông Lâm Huế, Chương trình công nhận các hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (PEFC), Văn phòng chứng chỉ rừng Việt Nam và Viện nghiên cứu lâm sinh.
Đạt Chứng chỉ: không phải là mục tiêu cuối cùng, mà đó là một sự khởi đầu
Chứng chỉ nhóm được cấp bởi tổ chức chứng nhận quốc tê, GFA
Chứng chỉ này là một kết quả cụ thể của mục tiêu chung: nâng cao năng lực của các tổ chức đại diện cho những chủ rừng nhỏ trong QLR bền vững và Chứng chỉ rừng PEFC và VFCS mà FFD và PEFC đã định hướng và thúc đẩy trong nhiều năm.
Sử dụng mô hình Hợp tác xã để triển khai chứng chỉ rừng cho chủ rừng nhỏ trong dự án này đã chứng
minh tính thực tế, và những lợi thế của HTX trong việc nhân rộng chứng chỉ rừng một cách nhanh, bền vững, và hiệu quả về chi phí. Thêm vào đó, mô hình này được kì vọng rất phù hợp ở Việt Nam nhờ vào hệ thống Liên Minh HXT và HTX phát triển rộng khắp trên cả nước.
“Liên minh HTX Thừa Thiên Huế rất tự hào là Đơn vị giữ chứng chỉ đại diện cho toàn nhóm, và cung cấp các hỗ trợ cần thiết để mở rộng nhóm và duy trì chứng chỉ này. Liên minh HTX đã có những cơ hội học hỏi đáng quý trong quá trình hỗ trợ nhóm đạt chứng chỉ VFCS FM. Năng lực của chúng tôi trong QLR bền vững và chứng chỉ rừng đã được nâng cao đáng kể. Chúng tôi đã sẵn sàng để đưa dịch vụ hỗ trợ chứng chỉ rừng trở thành một dịch vụ mới của Liên minh HTX và sẽ mở rộng thành viên và diện tích của chứng chỉ trong những năm tới theo mô hình HTX”, chia sẻ của ông Trần Quốc Doãn, Chủ tịch Liên Minh HTX Thừa Thiên Huế.
Chứng chỉ nhóm này mang lại những lợi ích gì cho các chủ rừng?
Bên cạnh việc đạt chứng chỉ, các thành viên của nhóm đã được hưởng nhiều lợi ích đi kèm trong quá trình thực hiện.
Một vài ví dụ như các thành viên của nhóm được sử dụng nguồn giống tốt hơn; các kĩ thuật lâm sinh tiến bộ đã được chuyển giao, và một số máy khai thác và dụng cụ an toàn lao động đã được đầu tư. Thêm vào đó, rừng keo lai có chứng chỉ được kì vọng có sản lượng cao hơn, và gỗ có chứng chỉ sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn.
Thành viên nhóm đang được đào tạo về các yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn QLR bền vững VFCS SFM
“Lợi ích về kinh tế là một trong những mối quan tâm chính của các thành viên HTX khi tham gia vào nhóm chứng chỉ rừng này. Theo thời gian, tôi rất vui khi thấy các thành viên của nhóm được hỗ trợ và hưởng lợi các lợi ích khác khi áp dụng bộ tiêu chuẩn QLR bền vững VFCS. Chúng tôi đã được đào tạo về các kĩ thuật lâm sinh phù hợp, tiến bộ; và được hướng dẫn tôn trọng các giá trị về môi trường và xã hội trong quá trình trồng rừng và sản xuất gỗ. Chúng tôi được đầu tư vườn ươm để tạo ra cây giống có chất lượng rất cao. Những lợi ích này đã giúp chúng tôi mở rộng tầm nhìn và củng cố sự tự tin về chứng chỉ rừng”, chia sẻ bởi ông Ngô Văn Phận, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Hòa Mỹ”
Những viên gạch đầu tiên để hiện thực hoá Mục tiêu của chính phủ trong QLR bền vững và thúc đẩy Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia đạt sự công nhận của thị trường Quốc tế
Thành viên nhóm đang thực hành sử dụng các dụng cụ khai thác một cách an toàn
Chính phủ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy sự triển khai áp dụng hệ thống chứng chỉ rừng VFCS ở cấp quốc gia. Chiến lược này nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu rất lớn của ngành chế biến gỗ và các yêu cầu quốc tế về sản xuất gỗ bền vững và hợp pháp. Thực tế là các chủ rừng nhỏ đóng một vai trò rất quan trọng trong sản xuất gỗ ở Việt Nam, do vậy có một hệ thống chứng chỉ rừng phù hợp cho các chủ rừng nhỏ là một yêu cầu rất cấp thiết.
Theo TS Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Lâm Nghiệp “Chứng chỉ nhóm VFCS FM đầu tiên này đánh dấu một giai đoạn mới cho sự phát triển của hệ thống CCR Việt Nam. Đặc biệt, với sự hợp tác cùng với Chương trình công nhận các hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia, PEFC, các diện tích rừng đạt chứng chỉ VFCS FM sẽ nhanh chóng được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế sau khi Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS) được công nhận bởi PEFC vào cuối năm 2020. Tổng Cục Lâm Nghiệp sẽ làm việc với các bên liên quan để nhân rộng mô hình chứng chỉ rừng theo nhóm này ra nhiều địa phương khác. Đồng thời, Tổng cục Lâm Nghiệp sẽ tổ chức nhiều hoạt động khác để phát triển và quảng bá thương hiệu chứng chỉ rừng Việt Nam đạt sự công nhận rộng rãi trên trường quốc tế.”